Tổng quan

23/06/2020 10:27:34 | Người đăng tin: ntkphung
Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn là đơn vị chuyên môn trực thuộc Trường Đại học Kiên Giang được thành lập theo Quyết định số 145/QĐ-ĐHKG, ngày 22 tháng 05 năm 2017 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn, tiền thân là Khoa Khoa học Cơ bản, được thành lập vào năm 2015 theo Quyết định của Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang. Nhiệm vụ chính của Khoa là đào tạo và bồi dưỡng giáo viên THPT, đồng thời giảng dạy các học phần kiến thức đại cương về Khoa học tự nhiên và xã hội cho sinh viên thuộc khối ngành ngoài sư phạm của Trường. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học 2019 – 2020, Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn đảm nhận quản lý và đào tạo thêm ngành Luật và đến năm học 2020 - 2021, Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn lại đảm nhận tiếp trọng trách quản lý và đạo tạo ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam.

Trải qua hơn 5 năm thành lập và phát triển, hiện nay, số lượng giảng viên của Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn là 34 giảng viên, trong đó, có 01 Tiến sĩ, 04 Nghiên cứu sinh và số còn lại là Thạc sĩ. Khoa gồm có Tổ dạy tiếng Việt và 03 Bộ môn gồm Bộ môn Sư phạm, Bộ môn Luật và Bộ môn Tự nhiên - Xã hội. Đội ngũ giảng viên của Khoa đều đáp ứng chuẩn giảng dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

SỨ MỆNH

            Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, giáo dục đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì thế, yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là rất cần thiết. Kế thừa những quan điểm chỉ đạo của nhiệm kỳ trước, Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Vì lẽ đó, Trường Đại học Kiên Giang cũng mang trong mình trọng trách quan trọng và không nằm ngoài nhiệm vụ của giáo dục đã đề ra.

Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn là một trong số các Khoa của trường Đại học Kiên Giang với nhiệm vụ chính là phụ trách đào tạo sinh viên. Chính vì thế, sự phát triển của Khoa sẽ góp phần vào sự phát triển chung của Nhà trường. Hiểu được vị trí của mình, nhất là vai trò trong đào tạo ngành đặc thù – ngành Sư phạm, ngành Luật, Khoa luôn đề ra những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể cho từng học kỳ, cho từng năm học.

            Xuất phát từ yêu cầu chất lượng giáo dục phải được coi trọng, do vậy, cùng với việc nâng chất lượng đào tạo các học phần thuộc khối kiến thức đại cương cho toàn trường và ngành Luật thì Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn còn đặc biệt chú ý đến các lớp ngành Sư phạm Toán học. Bởi lẽ, Khoa đảm nhận một sứ mệnh cao cả, đó chính là đào tạo ra những người thầy. Người thầy đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và càng quan trọng hơn trong thời điểm nhiệm vụ đổi mới của ngành giáo dục được đặt ra.

Ngoài nhiệm vụ đào tạo các học phần thuộc khối kiến thức đại cương, Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn phụ trách đào tạo ba ngành đại học là Sư phạm Toán học, ngành Luật và ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam.

Đối với, ngành Sư phạm Toán, khi lựa chọn ngành học này, các em sẽ được miễn toàn bộ học phí theo quy định của Bộ GD&ĐT. Sau khi tốt nghiệp, các em có những cơ hội nghề nghiệp như:

- Giảng dạy tại các trường Trung học phổ thông, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, hay các trường cao đẳng;

- Hoặc có thể làm công tác nghiên cứu tại các Trung tâm, Viện nghiên cứu.

            Ngoài ra, để các em có được kỹ năng đứng lớp trước khi trở thành những thầy, cô giáo, sinh viên ngành Sư phạm Toán học được Khoa tổ chức cho đi thực tập Sư phạm ở các trường THPT. Thực tập Sư phạm là học phần quan trọng trong quá trình đào tạo người giáo viên, được thực hiện vào năm thứ 3 của chương trình đào tạo. Mục đích của hoạt động này là giúp giáo sinh tiếp xúc trực tiếp với nghề nghiệp của mình sau này. Bên cạnh đó, các em áp dụng những kiến thức và kỹ năng đã học được vào thực tế hoạt động giảng dạy, công tác chủ nhiệm và quản lý lớp học; thực hành kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm; củng cố và nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp… đặc biệt là bồi dưỡng lòng yêu nghề cho các em trước khi chính thức bước vào nghề nghiệp tương lai của mình.

              Đối với ngành Luật, ngành này cũng được đào tạo trong khoảng thời gian 4 năm. Sau khi tốt nghiệp, các em có nhiều cơ hội việc làm từ môi trường nhà nước đến tư nhân. Cụ thể, các em làm việc tại Toà án, Viện kiểm sát, Văn phòng luật sư, Cơ quan thi hành án, Cơ quan công chứng và một số bộ phận trong các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.

             Còn đối với ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, ngành này cũng được đào tạo trong khoảng thời gian 4 năm. Sau khi tốt nghiệp, các em có nhiều cơ hội việc làm từ môi trường nhà nước đến tư nhân. Cụ thể, sinh viên có thể làm việc tại các cơ quan, tổ chức thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội như: sở văn hóa - thể thao và du lịch, thư viện, báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, viện bảo tàng, văn phòng các cơ quan, đoàn thể thuộc khối hành chính sự nghiệp;  làm công tác nghiên cứu ở các viện văn học, ngôn ngữ, văn hoá, trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trung ương và địa phương; làm việc ở các tổ chức quốc tế tại Việt Nam;  cơ quan quản lý giáo dục như: sở/phòng Giáo dục và Đào tạo; tham gia giảng dạy môn ngữ văn ở trường Trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng (nếu bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm).

 

KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Cùng với việc giảng dạy, Khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn còn chú trọng đến vấn đề nghiên cứu khoa học của cả giảng viên và sinh viên. Được sự khích lệ, động viên của Lãnh đạo Khoa, mỗi năm, giảng viên và sinh viên đều đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học, cả giảng viên và sinh viên Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn đều phát huy tinh thần, trách nhiệm của mình. Nhờ đó, đa phần số lượng đề tài được hoàn thành đúng thời gian quy định. Cụ thể là có 06 đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên và 04 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được nghiệm thu.

Ngoài ra, nhiều bài báo khoa học của các giảng viên trong Khoa được đăng trên các tạp chí có uy tín. Cụ thể, là có đến 14 bài báo đăng trên những tạp chí có chỉ số ISSN. Trong số giảng viên ở Khoa, nhiều thầy, cô luôn ý thức được vai trò của việc nghiên cứu khoa học, vì vậy, luôn tích cực tham gia viết các bài báo. Đáng chú ý là ThS. Vũ Kim Điềm có 5 bài và ThS. Phạm Lê Bạch Ngọc có 3 bài. Những kết quả đạt được từ nghiên cứu khoa học ở hiện tại sẽ là nền tảng và động lực để tiếp tục phát huy cho những năm tiếp theo.

THÀNH TÍCH CỦA SINH VIÊN KHOA SƯ PHẠM VÀ XÃ HỘI NHÂN VĂN

Ngoài thời gian học trên giảng đường, các em ngành Sư phạm Toán học còn tích cực tham gia các cuộc thi, các hoạt động phong trào. Bên cạnh đó, sinh viên còn có cơ hội tham gia vào Câu lạc bộ Toán học. Thông qua Câu lạc bộ này, các em học hỏi, trao đổi kiến thức về Toán học với thầy cô giáo và bạn bè. Đây còn là nơi phát hiện và bồi dưỡng những sinh viên giỏi để tham dự các kỳ thi. Trong kỳ thi Olympic Toán học sinh viên và học sinh Toàn quốc lần thứ 26 diễn ra tại Quảng Bình, sinh viên Sư phạm Toán học đã đạt được 02 giải khuyến khích.

Phát huy những kết quả đã đạt được, đến kỳ thi Olympic Toán học sinh viên và học sinh Toàn quốc lần thứ 27 diễn ra tại Trường Đại học Nha Trang vào tháng 4/2019, sinh viên Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn đã đạt 03 giải khuyến khích.

 

ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI, PHÁT TRIỂN LÂU DÀI

Công cuộc đổi mới giáo dục liên quan đến cả hệ thống giáo dục quốc dân và toàn xã hội. Riêng đối với các trường có đào tạo ngành Sư phạm thì sự đổi mới ở đây mang nhiều ý nghĩa. Bởi, điều này sẽ góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo - giải pháp then chốt bảo đảm sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quyết định chất lượng giáo dục. Người giáo viên không chỉ dẫn dắt, tổ chức hoạt động để người học lĩnh hội tri thức, hình thành kỹ năng mà còn góp phần giúp thế hệ trẻ bồi dưỡng tâm hồn và hình thành nhân cách. Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn mang nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đó là đào tạo ra những người thầy. Vì thế, Khoa luôn luôn chú trọng đến trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy của toàn thể giảng viên. Khoa luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất và tốt nhất để giảng viên tiếp tục học tập nâng cao trình độ.

Hiện tại, Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn phụ trách quản lý và đào tạo ngành Sư phạm Toán học, ngành Luật và ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài, để đáp ứng yêu cầu phát triển, cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực cho xã hội, Khoa sẽ tiếp tục mở thêm những ngành học mới như Sư phạm Hóa học, Giáo dục Mầm non, các lớp bồi dưỡng giáo viên và Trường thực hành Sư phạm.

            Trong tương lai không xa, Trường Đại học Kiên Giang nói chung, Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn nói riêng sẽ góp phần lan tỏa tri thức trên vùng đất chín rồng./

Nguyễn Thị Thu Thủy